Truyền thông dự thảo chính sách

NỘI DUNG

    Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản QPPL

    Truyền thông dự thảo chính sách là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

    Thông qua truyền thông dự thảo chính sách, người dân được “hưởng dụng quyền dân chủ của mình” và đồng thời tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản QPPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

    Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm triển khai trong quá trình xây dựng ban hành chính sách, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách đã có tác động đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, phát huy tính dân chủ rộng rãi trong cộng đồng người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua hoạt động truyền thông, giúp cho cơ quan soạn thảo nhận được được tổng thể các ý kiến khách quan về chính sách ban hành, để nghiên cứu kịp thời điều chỉnh chính sách ban hành cho phù hợp, tránh gây bức xúc trong dư luận Nhân dân trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách. Qua đó tạo dựng niềm tin của Nhân dân vào chủ trương, chính sách của Nhà nước sau khi chính sách được ban hành.

     Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đề ra giải pháp thực hiện hiểu quả công tác này trong năm 2025, ngày 31 tháng 3 năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” trên địa bàn tỉnh năm 2025.

    Nội dung chính của kế hoạch tập trung các nhiệm vụ như:

    Quán triệt, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích Nhân dân quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo các chính sách.

    Các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản QPPL căn cứ nội dung, tính chất dự thảo chính sách và yêu cầu thực tiễn chủ động, kịp thời xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách; phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan bảo đảm các biện pháp an ninh, an toàn thông tin trong quá trình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn bản QPPL.

    Việc tổ chức truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương như: Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và các ứng dụng mạng xã hội, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang Thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, Trang/Cổng thông tin điện tử của các sở, ban ngành, địa phương; thông qua hội nghị, tọa đàm, đối thoại trực tiếp, trực tuyến; hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết tại bảng tin, màn hình Led, bảng điện tử tại khu dân cư, địa điểm công cộng, lồng ghép trong các loại hình văn hóa cơ sở và các hình thức phù hợp khác. Chú trọng phát huy đội ngũ báo cáo viên pháp luật, luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ làm công tác thực tiễn và đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến chính sách này tham gia đóng góp ý kiến.

    Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Tư pháp tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức hoặc lồng ghép tập huấn cho đội ngũ công chức pháp chế các sở, ban, ngành của tỉnh; báo cáo viên pháp luật của tỉnh và cấp huyện về kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật; huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách; rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện thể chế về truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm cơ sở pháp lý và nguồn lực cho hoạt động truyền thông dự thảo chính sách.

    Năm 2025 với hàng loạt chính sách pháp luật mới được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần tiếp tục đẩy mạnh tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Nhân dân.

    Ngọc Phúc – Sở Tư pháp

     

     

     

    Lượt xem: 3

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     2,661