Báo cáo viên pháp luật

NỘI DUNG

    Hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật quý IV và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giám định tư pháp năm 2020

     

     

    Sáng ngày 09/10/2020, tại Nhà khách 71, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật quý IV/2020 kết hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giám định tư pháp năm 2020 với sự tham dự của hơn 250 người là Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, giám định viên tư pháp, lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành. Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Ngô Văn Toàn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

     

    Đồng chí Ngô Văn Toàn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu khai mạc Hội nghị

     

    Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Huy Trường - Trưởng Phòng Công tác tư pháp, Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp đã triển khai một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và quy định pháp luật có liên quan trong hoạt động giám định tư pháp giúp đội ngũ giám định viên tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, đội ngũ công chức, viên chức làm công tác theo dõi công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh nắm rõ các quy định mới để thực hiện hiệu quả công tác này.

     

    Các đại biểu tham dự Hội nghị

     

    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIV Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 10/6/2020có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Luật mới sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật năm 2012 về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định; căn cứ, cách thức đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp; bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan thực hiện giám định; bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, quy định về thời hạn giám định; xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành chủ quản và Ủy ban nhân dân trong việc phát triển, bảo đảm số lượng, chất lượng của người làm giám định, chỉ định đầu mối phân công, phối hợp trong công tác giám định, bảo đảm điều kiện cho hoạt động giám định được tiến hành hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.

     

    Đồng chí Hoàng Huy Trường - Trưởng Phòng Công tác tư pháp, Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp đã triển khai nội dung tại Hội nghị

     

    Đồng chí Đỗ Thị Anh Đào – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Xây dựng và Phổ biến, giáo dục pháp luật – Sở Tư pháp (báo cáo viên cấp tỉnh) đã triển khai những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời lưu ý một số nội dung trong quy trình tham mưu xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các đại biểu hiểu rõ các quy định và thực hiện tốt công tác này góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo hiệu lực, hiệu quả tại địa phương.

    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc khóa XIV Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 10/6/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật của Luật năm 2015, với những nội dung mới cơ bản như sau (1)Tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL; (2) Bổ sung và làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL (3) Bổ sung một số hình thức VBQPPL như nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; (4) Sửa đổi thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã; (5) Quy định hợp lý hơn các loại VBQPPL phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách và quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng, soạn thảo VBQPPL; (6) Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; (7) Quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; (8) Quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL: (9) Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhằm bảo đảm tính thống nhất và nâng cao chất lượng của dự thảo VBQPPL; (10) Quy định hợp lý, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của địa phương; (11) Sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác.

    Đồng chí Đỗ Thị Anh Đào – BCV cấp tỉnh triển khai một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

     

    Thông qua Hội nghị, các đại biểu tham dự đã hểu rõ hơn các quy định mới về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và công tác giám định tư pháp để thực hiện tốt hơn công tác này tai địa phương. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân, giúp nâng cao nhận thức pháp luật và hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như giám định tư pháp./.

    Lượt xem: 49

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     464