Tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng

NỘI DUNG

    Thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước

    Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Như vậy những người có chức vụ, quyền hạn ở đây không chỉ giới hạn là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, thực hiện các công vụ mà còn là những người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức.

    Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 lần đầu tiên quy định về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, tại khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

    Như vậy trong bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào ngoài nhà nước cũng có thể xảy ra hành vi tham nhũng dưới hình thức là tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì mục đích vụ lợi. Chính vì vậy các tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước.

    Theo đó cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt đến người có chức vụ, quyền hạn, nhân viên, người lao động thuộc tổ chức mình các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến về các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng.

    - Thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước đồng thời ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

    - Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ảnh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức.

    - Kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng (nếu có).

    Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Để công cuộc phòng, chống tham nhũng đạt được thắng lợi cần sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị vì vậy việc thực hiện phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng nói chung./.

    Đồng Hoa - Sở Tư pháp

    Lượt xem: 54

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     3,141