Hoạt động của các thành viên Hội đồng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn t

Sở Tư pháp chú trọng công tác phổ biến pháp luật, hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý về các vấn đề pháp luật liên quan đến phụ nữ

Ngày 04/08/2024 - 17:05:19

Thời gian qua, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, hằng năm Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo nhiều hình thức phù hợp với đối tượng, địa bàn và tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, chú công tác phổ biến pháp luật, hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý về các vấn đề pháp luật liên quan đến phụ nữ.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, hằng năm Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong đó có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về phụ nữ và các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động của Hội đồng, phát huy vai trò của thành viên Hội đồng là Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.

Hằng quý, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, theo đó kịp thời phổ biến các quy định pháp luật mới cho đội ngũ báo cáo viên và cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ. Từ năm 2021 đến nay, Sở đã tổ chức 11 Hội nghị với hơn 2.200 lượt người tham dự, trong đó có hơn 100 lượt báo cáo viên của Hội phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện. Thông qua các Hội nghị tập huấn, các cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ đã từng bước nâng cao nhận thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật để hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan.

Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình cho hội viên Hội phụ nữ của huyện Thống Nhất
Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho hội viên Hội phụ nữ tại huyện Thống Nhất

Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã với 2.209 người tham dự; trong đó có nội dung chia sẽ về cách thức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Qua đó giúp cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện tuyên truyền cho người dân ở cơ sở; tổ chức 03 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và các vấn đề xã hội khác liên quan đến phụ nữ cho hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Phú và hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ là người có đạo trên địa bàn huyện Thống Nhất, đồng bào dân tộc Chơ ro tại xã Phước Bình, huyện Long Thành với sự tham gia của khoảng 900 người. Qua đó đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến phụ nữ cho các đối tượng phụ nữ đặc thù.

Tư vấn pháp luật cho phụ nữ người dân tộc Chơ ro tại xã Phước Bình, huyện Long Thành

Sở Tư pháp cũng đã biên tập nội dung, in ấn và phát hành 23.500 tờ gấp, áp phích tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống xâm hại trẻ em cấp phát đến các doanh nghiệp, UBND cấp xã, các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh; xây dựng 02 video tuyên truyền về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em và bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện trình chiếu trên màn hình Led tại các điểm công cộng trên địa bàn thành phố Biên Hòa, triển khai đến các cơ quan, đơn vị; chia sẽ trên trang youtube “Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai”. Nội dung tờ gấp, áp - phích, video đã truyền tải đến chị em phụ nữ về những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, các biện pháp phòng, chống xâm hại và trách nhiệm của gia đình đặc biệt là những người mẹ trong việc bảo vệ con của mình trước nguy cơ bị xâm hại; các hành vi bạo lực gia đình, biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình tuyên truyền đến chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở Tư pháp đã thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến về các vấn đề liên quan đến phụ nữ trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo để kịp thời truyền tải đến chị em phụ nữ các thông tin pháp luật cần thiết.

Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, hằng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn UBND các cấp thực hiện tốt công tác quản lý về hoạt động hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn, chỉ đạo kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đảm bảo đúng thành phần, 100% tổ hòa giải có hòa giải viên nữ. Hiện nay, toàn tỉnh có 929 tổ hòa giải với 5.395 hòa giải viên, trong đó có 1.542 hòa giải viên nữ (chiếm 28,6%). Đồng thời chú trọng việc tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên, phát huy vai trò của phụ nữ trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Theo đó, Sở Tư pháp đã tổ chức 13 hội nghị tập huấn với gần 6.900 lượt người tham dự. Ưu tiên việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng. Các tổ hòa giải ở cơ sở là một mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ một cách hiệu quả. Từ 01/01/2021 đến 31/5/2024, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 4.953 vụ việc, hòa giải thành 4.063 vụ việc, đạt 82%.

Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Đồng Nai” năm 2023 với sự tham gia của 11 đội thi; quy tụ gần 300 cán bộ, công chức, viên chức và đội hòa giải viên đến từ các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa và pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới được xác định là 01 trong 03 nội dung chính của Hội thi. Qua đó giúp các hòa giải viên tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; vận dụng các quy định pháp luật, đạo đức, văn hóa truyền thống để thực hiện hòa giải các vụ việc nảy sinh trong cộng đồng dân cư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

Đối với công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã tổ chức 20 Hội nghị truyền thông các chuyên đề pháp luật về Trợ giúp pháp lý và các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến phụ nữ như hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống mua bán người, pháp luật Hình sự về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người ...với hơn 1.900 lượt người tham dự. Tại các hội nghị, các trợ giúp viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp cũng đã tư vấn pháp luật cho cán bộ, hội viên hội phụ nữ và trực tiếp giải đáp các thắc mắc của chị em phụ nữ về các quyền và nghĩa vụ của phụ nữ, về các vấn đề liên quan đến phụ nữ.

Từ năm 2021 đến nay, các Trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tham gia tố tụng cho 102 trường hợp là nữ trong các vụ án hình sự, dân sự; trong đó tham gia tố tụng với vai trò người bào chữa cho 41 phụ nữ là người bị buộc tội; tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 08 phụ nữ là bị hại trong các vụ án hình sự; tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 53 phụ nữ là đương sự trong các vụ án dân sự.

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý bằng các hình thức như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng... người thực hiện trợ giúp pháp lý phổ biến pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, xử sự phù hợp với các quy định pháp luật và áp dụng vào thực tế cuộc sống để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình khi bị xâm phạm.

Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng đặc biệt là các mâu thuẫn trong gia đình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ./.

Đồng Hoa - Sở Tư pháp

Lượt xem: 15

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     7,675